Tôi gặp anh Nguyễn Thành Đại, chủ cơ sở điêu khắc gỗ Di đà nằm trên địa bàn huyện Duy Xuyên một ngày trước khi Quảng Nam bắt đầu cách ly xã hội vì Covid-19. Đó không phải một buổi gặp gỡ bình thường. Tôi đã được anh kể cho nghe những dự định phát triển sản phẩm du lịch của mình. Thật kỳ lạ khi giữa những ngày ngành du lịch gần như tê liệt thì anh Đại lại ấp ủ những kế hoạch mới để vực dậy du lịch ở thánh địa Mỹ Sơn. Anh Đại cho biết, Covid-19 là một cơ hội tốt cho những người làm du lịch có điều kiện nhìn lại mình, để đầu tư hơn nữa chất lượng sản phẩm. Chính điều đó đã thôi thúc anh làm điều gì đó có ý nghĩa ngay tại quê hương, và anh chọn hình tượng Vũ nữ Apsara làm nguồn cảm hứng.
Hình tượng vũ nữ Apsara được tạo tác trên gỗ.
Cho tôi xem những bức tượng vũ nữ Apsara trên gỗ vừa hoàn thiện, anh Đại tâm sự: “Hình tượng vũ nữ Apsara thì không xa lạ gì với người dân Quảng Nam và những ai yêu thích văn hóa Chămpa. Thế nhưng nó mới chỉ được nhắc đến trong các bài hát, bài thơ là nhiều. Đối với một sản phẩm mang tính thương mại thì tượng vũ nữ mới chỉ có phiên bản trên đồ gốm và đá. Đá thì quá nặng, đồ gốm thì không có độ bền cao nên không thể di chuyển xa vì vậy những sản phẩm này chưa thể phổ biến đến du khách nước ngoài. Nhận thấy điều đó tôi liền nghĩ tại sao không dùng gỗ để tạo tác hình tượng người vũ nữ?”.
Gỗ có độ tinh xảo cao, hành mộc lại mang phong thủy tốt theo văn hóa của người Việt, nghĩ là làm, anh Đại bắt tay vào thực hiện.
Theo tìm hiểu của anh Đại, tại Việt Nam, hình tượng vũ nữ Apsara được tìm thấy nhiều nơi trong nền văn hóa Champa cổ. Tượng Apsara được điêu khắc tỉ mỉ trên các tháp Chăm còn sót lại ở Trà Kiệu (Quảng Nam), Bình Định. Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và rải rác ở một vài nơi khác. Hầu hết các pho tượng được phát hiện tại các di chỉ có niên đại từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XVII. Trong đó, tượng vũ nữ Apsara ở bệ thờ Trà Kiệu (Quảng Nam) được xem là một tác phẩm tiêu biểu, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc.
Với dáng vẻ mềm mại, uyển chuyển, nụ cười thần bí, đôi chân thanh thoát chuẩn bị di chuyển theo nhịp điệu gợi cho ta các vũ điệu Tamia Tatih; Tamia Biyen, Tamia Tra trong truyền thuyết mà các hậu duệ của họ là thiếu nữ Chăm nối tiếp vũ điệu cổ xưa đang lưu truyền trong cộng đồng người Chăm cho đến ngày nay. Vì thế anh Đại chọn hình tượng vũ nữ Trà Kiệu làm bản mẫu để tạo tác. “Nhìn từ bên ngoài, các bức tượng gần như trần trụi, lõa thể nhưng kỳ thực người nghệ sĩ đã khéo léo tạo dựng cho họ những bộ trang phục hết sức kín đáo vừa để phô bày vẻ đẹp, vừa giữ nét thanh cao, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Trong quá trình điêu khắc chúng tôi cũng cố gắng giữ được tinh thần ấy trên từng sản phẩm”, anh Đại nhận xét.
Nhưng để biến tượng vũ nữ Apsara trên gỗ thành một sản phẩm tiêu biểu trong phát triển du lịch của địa phương thì không chỉ cần sản phẩm tốt mà còn cần chiến lược phát triển hiệu quả. Và anh Đại đã tận dụng khoảng thời gian Covid-19 này để hoàn thiện các kế hoạch của mình.
“Hiện nay tôi đang hoàn thành một trạm dừng chân kết hợp với trưng bày sẵn sàng phục vụ du khách sau khi ngành du lịch khởi động lại. Để phục vụ du khách tốt hơn, cần có chiến lược phát triển theo từng giai đoạn, tìm hiểu nhu cầu của du khách và khảo sát thực tế kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch tại các trạm dừng chân đường bộ kèm với các dịch vụ du lịch đặc trưng. Qua đó sẽ tạo được hình ảnh tốt với du khách, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại điểm đến. Đây cũng là điều mà du lịch Mỹ Sơn còn thiếu lâu nay”, anh Đại cho biết.
Để gia tăng giá trị cho sản phẩm đồng thời gắn sản phẩm tượng gỗ Apsara vào các chương trình phát triển du lịch của địa phương anh Đại còn đang hoàn thiện hồ sơ để tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Ocop). Anh hy vọng sản phẩm tượng gỗ vũ nữ Apsara sẽ không chỉ là một sản phẩm du lịch đơn thuần mà còn giúp giữ gìn và phát huy văn hóa bản địa.
Hà Dung
Đài TT-TH Duy Xuyên