Tin tức chung

Nét mới diện mạo hạ tầng

Nỗ lực huy động các nguồn lực, đặc biệt là triển khai đầu tư có hiệu quả, nên những năm qua hạ tầng kỹ thuật của Duy Xuyên được cải thiện rõ nét, góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới và đô thị văn minh, hiện đại.

 

        Diện mạo thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) ngày càng khang trang. Ảnh: VINH ANH

Diện mạo thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) ngày càng khang trang. Ảnh: VINH ANH

 

Mở “huyết mạch” giao thông

 

Cầu Hà Tân nằm trên tuyến ĐH4.DX được UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) xây dựng từ năm 1994, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân xã Duy Vinh (Duy Xuyên) và xã Cẩm Kim (Hội An) lên quốc lộ 1, xóa bỏ cảnh đò ngang cách trở. Tuy nhiên, do nằm trên nhánh sông Thu Bồn chảy ra Cửa Đại có lực rất mạnh lại trải qua quá trình khai thác lâu dài, rồi tác động của lũ lụt khiến cầu xuống cấp nặng. Mùa mưa lũ năm 2017 cầu bị lún ở trụ số 9 và số 13.

         

Để thay thế cầu cũ, ngày 31.10.2019 Duy Xuyên khởi công xây dựng cầu Hà Tân mới có tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng (ngân sách trung ương và tỉnh hỗ trợ 35 tỷ đồng). Đến giữa tháng 7 này, phần thô hạng mục cầu đã xong, nhà thầu đang làm khâu hoàn thiện và đắp đường dẫn, phấn đấu đưa công trình vào sử dụng trước mùa mưa năm nay, thiết lập lại sự thông suốt cho hạ tầng liên vùng Duy Xuyên - Hội An. 

         

Ở phía tây Duy Xuyên, có 2 công trình kết nối giao thông liên vùng rộng lớn đã hoàn thành, mở “nút thắt” đèo Phường Rạnh lên Nông Sơn, ngược qua Đại Lộc, đó là các dự án nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT610 (nay là quốc lộ 14H) và xây dựng cầu Giao Thủy. Cầu và đường liên hoàn, thông suốt đã tạo nên trục dọc “huyết mạch” mới, đưa hình ảnh những chuyến đò tròng trành, hay mặt đường lởm chởm đá và “chen ngang” là đèo dốc quanh co nguy hiểm, trôi về quá khứ.

         

Năm 2020 này, dự án xây dựng đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, kết nối trung tâm hành chính huyện Duy Xuyên, quốc lộ 1 và quốc lộ 14H (tuyến ĐH20.DX theo quy hoạch) do huyện làm chủ đầu tư được khởi công. Công trình có vốn đầu tư lên đến 280 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 168 tỷ đồng) được kỳ vọng sẽ tăng cường kết nối giao thông, giảm mật độ lưu thông trên quốc lộ 14H đoạn qua thị trấn Nam Phước, góp phần phát triển đô thị Nam Phước theo quy hoạch, đồng thời phục vụ cứu hộ, cứu nạn khi có mưa lũ.

         

Theo ông Nguyễn Văn Khánh - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Duy Xuyên, kiên cố hóa giao thông nông thôn, mặt đường ĐH là điểm sáng trong bức tranh cải thiện hạ tầng giao thông của địa phương. Ngoài sử dụng vốn theo đề án tỉnh duyệt, huyện linh hoạt lồng ghép nguồn lực khác để mở rộng mặt cắt tuyến ĐH lên 11,5m hoặc 13,5m theo đúng quy hoạch. Nhiều công trình làm theo dự án riêng lẻ cũng triển khai với tinh thần như thế đã tạo sự đồng bộ và không có “nút thắt cổ chai”, điển hình như một số đoạn trên tuyến ĐH3.DX kết nối thông suốt quốc lộ 1 với vùng đông. Theo thống kê, trong 5 năm qua Duy Xuyên đã kiên cố hóa 67km giao thông nông thôn (tổng vốn 45,2 tỷ đồng), 31,6km đường ĐH (tổng vốn 186 tỷ đồng), 50,3km đường ĐX (tổng vốn 167 tỷ đồng)...           

Đầu tư toàn diện    

Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên - ông Nguyễn Công Dũng chia sẻ, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại địa phương thực hiện khá đồng bộ và hiệu quả. Đầu tư công trong kế hoạch trung hạn được triển khai quyết liệt theo thứ tự ưu tiên về giao thông, thủy lợi, trường học và kết cấu hạ tầng kỹ thuật; các công trình xây dựng xã, huyện nông thôn mới gắn với quá trình phát triển đô thị khá đồng bộ. Ngoài dự án do trung ương, tỉnh đầu tư, huyện huy động nhiều nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng nhà xưởng, kho tàng, nhà máy phục vụ sản xuất - kinh doanh.

         

“Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm qua của Duy Xuyên đạt gần 18.000 tỷ đồng, tăng 3,2 lần so với 5 năm trước. Nếu tính cả vốn đầu tư của các dự án trọng điểm do cấp trên và các nhà đầu tư nước ngoài triển khai trên địa bàn thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước hơn 45.000 tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với 5 năm trước” - ông Dũng nói.

         

Đầu tư đồng bộ, hệ thống điện được chú trọng xây dựng cung cấp đảm bảo cho chiếu sáng đường giao thông, phục vụ sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ và sinh hoạt của nhân dân.

         

Trên lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020 địa phương thi công thêm ít nhất 21km đường điện hạ thế ra các cánh đồng và xây mới, nâng cấp hàng chục công trình thủy lợi nhỏ, góp phần chủ động nước tưới cho đất lúa và hoa màu. Cùng thời gian này, có 137,4km kênh mương được kiên cố hóa, gắn với dồn điền đổi thửa, làm giao thông nội đồng đã đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng cơ giới hóa, thuận lợi xây dựng những cánh đồng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

       

Năm năm qua, hạ tầng phục vụ cho sự nghiệp giáo dục được Duy Xuyên tập trung đầu tư và sắp xếp hợp lý, đáp ứng đầy đủ, thuận lợi cho nhu cầu học tập của con em. Đáng chú ý, tháng 9.2017, Trường THPT Hồ Nghinh tại xã Duy Thành chính thức khai giảng tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vùng đông học tập.

         

Công trình bệnh viện, trung tâm văn hóa huyện, trạm y tế xã, trụ sở làm việc một số xã được xây dựng. Từ khi triển khai khu du lịch - giải trí - nghỉ dưỡng Nam Hội An và một số dự án du lịch tại Duy Hải, Duy Nghĩa, hình hài đô thị loại V ở vùng đông Duy Xuyên đã lộ diện, sôi động hẳn lên. Các khu tái định cư cũng hình thành để đưa các hộ dân bị ảnh hưởng vào an cư lạc nghiệp, hướng tới tương lai tươi sáng.

 

CÔNG TÚ

ĐÀI TT - TH DUY XUYÊN

 

 

Tin khác

Tìm kiếm

Hội viên mới

Gương mặt thương hiệu